Đảng CS có được tham gia vào chính quyền hay không?

Đăng bởi: Elvis Ất on Thứ Bảy, ngày 17 tháng 12 năm 2016 | 11:07

Kết quả hình ảnh cho phá tan đảng cộng sản
Trong một cuộc trao đổi riêng, tôi nhận được một câu hỏi rất thú vị, đại ý là « Nếu sau này có dân chủ, theo bạn đảng CS có được tham gia vào chính quyền hay không ? Có nên coi đảng CS như một liều thuốc độc mà khi chúng ta đã biết điều đó rồi thì không thể nào cho vào mâm cơm của chúng ta không ? ». Đây là một câu hỏi rộng và tôi xin nêu ra đây để chúng ta cùng trao đổi. Hy vọng sẽ nhận được những phản biện mang tính chất xây dựng trên tinh thần tôn trọng sự khác biệt và tôn trọng lẫn nhau.
Cá nhân tôi luôn đề cao tự do, bình đẳng, công lý, chính nghĩa cùng những giá trị đạo đức văn minh mà nền dân chủ mang lại trong đó có việc tôn trọng sự khác biệt và xóa bỏ hận thù để cùng hướng tới một tương lai tươi đẹp cho đất nước. Bản thân tôi chống cường quyền, tôi không chống chính quyền (Trần Hùynh Duy Thức). Nếu chủ nghĩa cộng sản mà lý tưởng như họ đã tưởng tượng ra để đem lại cho dân tộc chúng ta một nền độc lập thực sự, một sự tự do đúng nghĩa, một cuộc sống no ấm, hạnh phúc, một sự phát triển thịnh vượng và trường tồn thì không có lý do gì mà chúng ta lại muốn phế truất một chế độ như vậy cả. Rất tiếc, chủ nghĩa cộng sản đã không những không tạo ra sự lý tưởng đó, mà còn làm cho đất nước chúng ta càng ngày càng tụt hậu, lầm than và suy thoái bên cạnh những đau thương mất mát mà dân tộc chúng ta đã phải hứng chịu do bị chia cắt và bị chia rẽ. Cho đến bây giờ, bên cạnh nhiều ấn phẩm khoa học đã chỉ dẫn và chứng minh thì ai cũng biết chắc chắn rằng CNXH mà đảng CSVN theo đuổi chỉ là không tưởng và may ra chỉ tồn tại trên « thiên đường » sau cái chết mà thôi !
Dù đã muộn so với tiến trình chung của thế giới, một sự thay đổi về thể chế chính trị tại Việt Nam trong thời gian tới sẽ bắt buộc phải xảy ra để đưa đất nước quay về đúng với quỹ đạo phát triển khách quan của nhân loại. Cuộc sống và xã hội của con người luôn luôn vận động, nhất là khi chúng ta đang sống trong kỷ nguyên của thông tin và kỹ thuật số vượt bậc, giúp hình thành những nhận thức mới, kiến thức mới và nhu cầu mới. Nếu cơ thể của chúng ta trưởng thành mà cứ bị trói buộc lại trong chiếc áo của một trẻ lên ba thì dù chất liệu có được khéo chọn đến mấy cũng sẽ bị xé rách hoặc tự xé rách ra thôi. Thay đổi thể chế chính trị hiện tại không còn là một yêu cầu được coi là « phản động » nữa, mà đó là sự đòi hỏi bắt buộc của tòan nhân loại, là quy luật phải có của sự phát triển đúng đắn. Ngay cả khi nếu như chế độ mà chúng ta đang sống là một thể chế dân chủ đi nữa nhưng nếu nó không đáp ứng được nhu cầu phát triển của con người trong xã hội và thời đại đó thì chúng ta cũng vẫn cần phải thay thế nó bằng một thể chế phù hợp hơn và hiện đại hơn.
Như tôi đã từng nói, trong cuộc sống không có gì là hỏan hảo, và thể chế chính trị cũng vậy. Chúng ta chỉ được phép lựa chọn một thể chế chính trị « tốt hơn » hoặc « ít xấu » hơn một thể chế chính trị khác mà thôi. Dân Chủ thực ra cũng không phải là một mô hình hòan tòan lý tưởng. Xã hội loài người không bao giờ hoàn hảo để xếp đặt cuộc sống chung lý tưởng. Dân Chủ với tam quyền phân lập theo tinh thần thượng tôn pháp luật bao gồm những quy luật rõ ràng của cuộc chơi trên bàn cờ chính trị để cho mỗi người đều có thể được tham gia một cách bình đẳng. Trong bất cứ một xã hội nào cũng có ý kiến khác nhau, nhiều nhóm có các quyền lợi riêng, bây giờ hay gọi là “nhóm lợi ích,” và khó tránh được cảnh quyền lợi của nhóm này xung khắc với nhóm khác. Trong trường hợp đó, nhà nước dân chủ đóng vai trò « trọng tài » để điều phối và cân bằng quyền lợi xung khắc giữa các nhóm trên tinh thần tôn trọng lựa chọn của đa số nhưng không bỏ qua các nhóm thiểu số. Các đảng phái được bầu lên và đại diện cho quyền lợi của các nhóm công dân khác nhau khi tranh luận về phương thức giải quyết các xung đột. Quốc hội Lập pháp và giám sát chặt chẽ Hành pháp trong một nền Tư pháp hòan tòan độc lập và minh bạch để đảm bảo không một nhóm công dân nào được phép lấn áp các nhóm công dân khác.
Chính vì vậy, trước khi là cộng sản, dân chủ, hay cộng hòa… chúng ta là đồng bào, là công dân, có trách nhiệm phải sống và hành xử theo pháp luật. Tôi hiểu rằng, sau những thời kỳ đen tối và đau đớn khi phải sống chung với cộng sản, chúng ta sẽ như con chim đậu phải cành cong và sẵn sàng coi cộng sản là một liều thuốc độc cần phải loại bỏ trước khi thiết lập một nền móng dân chủ cho đất nước. Nhưng tôi nói rằng, cộng sản chỉ là ý thức hệ, cái quan trọng là khâu tổ chức và kiểm soát quyền lực. Có ai dám đảm bảo rằng nếu ngăn cấm ý thức hệ cộng sản trên vũ đài chính trị thì chúng ta có thể xóa bỏ hòan tòan những con người cộng sản trên thực tế ? Có ai dám khẳng định được rằng nếu CSVN sụp đổ thì sẽ không có đảng phái khác lên thay mà không đi đêm với Trung Quốc ? Tất cả thật ra đều bị chi phối bởi yếu tố đặc quyền và lợi ích mà ra ! Ý thức hệ chỉ là cái cớ mà CSVN đã ru ngủ dân chúng ngày trước mà thôi ! Còn bây giờ thì chúng ta đã thức tỉnh ! Do đó, hãy đừng sợ cộng sản ! Hãy cho họ cùng bước lên vũ đài chính trị và tham dự một cuộc tổng tuyển cử thật sự dân chủ với chúng ta. Trong chính trị hẳn có những yếu tố bất ngờ nhưng sự tang thương của dân tộc này sẽ không thể giúp cho cộng sản nắm được nhiều phiếu nên hãy dùng luật chơi quân tử của dân chủ mà đối đãi với họ, ngay cả khi chúng ta thấy rằng họ không xứng đáng đi nữa. Chúng ta có ý thức hệ của chúng ta, họ cũng có ý thức hệ của họ. Tôn trọng sự khác bịêt và cùng nhìn về tương lai sẽ giúp xóa bỏ hận thù và hàn gắn dân tộc. Chúng ta không thể có được một nền dân chủ cởi mở thực sự nếu nhận thức của chúng ta vẫn hẹp hòi và luẩn quẩn trong cái cổng làng nhỏ bé. Hay nói một cách khác, chúng ta sẽ không bao giờ có được ngôi nhà dân chủ đúng nghĩa nếu một chân của nền móng lại được xây dựng bởi ý nghĩ nhỏ nhen còn sót lại của chế độ độc tài !
Hãy tin rằng trong luật chơi mới với cơ chế tự điều chỉnh, mọi công dân có quyền sử dụng quyền của mình để gây ảnh hưởng một cách bình đẳng trong guồng máy nhà nước và chia sẻ quyền lực chính trị trong khuôn khổ quy định của pháp luật. Họ tập họp trong các đảng phái chính trị. Nếu không có các đảng phái chính trị khác nhau, kiểm sóat chặt chẽ lẫn nhau thì chế độ dân chủ sẽ khó chạy, và rất khó trở thành kiên cố bởi quyền lực lại có thể bị thâu tóm trong tay của một nhóm, hay đảng phái nào đó thì dân chủ lúc đó sẽ chỉ là dân chủ trá hình mà thôi !
Võ Hồng Ly
(Facebook Võ Hồng Ly)